Xuân Liên vẫy gọi – Góp rừng cùng Gaia

Ủng hộ trồng rừng

Xuân Liên vẫy gọi - Góp rừng cùng Gaia

Bối cảnh

Nếu bắt một con ếch bỏ vào nồi nước sôi không đậy nắp, con ếch sẽ nhảy ra ngay lập tức. Nhưng nếu bạn bỏ con ếch vào nồi nước lạnh và tặng nhiệt độ lên từ từ, con ếch sẽ thích nghi dần. Khi nhiệt độ tăng hơn nữa, nó vẫn cố gắng chịu đựng và cuối cùng kiệt sức không nhảy được ra khỏi chiếc nồi nữa. Loài người chúng ta cũng giống như đàn ếch hơn 8 tỷ con đang ngồi trong chiếc nồi Trái Đất đang bị đun nóng dần lên. Ngày càng nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan không thể dự báo: lũ lụt, hạn bán, lốc xoáy, rồi dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, sự biến mất của các loài hoang dã, sự ngập chìm, sụt lún của các thành phố…

Đó chính là hậu quả của biến đổi khí hậu. Mọi hoạt động sinh hoạt của con người đều đang góp phần khiến cho biến đổi khí hậu diễn tiến nhanh hơn. Mối đe dọa từ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU còn khủng khiếp hơn Covid 19 rất nhiều, khiến cho các quốc gia đều đang bàn cách hành động.

Trồng rừng Xuân Liên chính là một giải pháp hiệu quả để chúng ta đẩy lùi biến đổi khí hậu. Một cây gỗ lớn tại rừng Xuân Liên có thể hấp thụ khoảng 22 đến 27kg CO2/năm giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu. Việc trồng rừng Xuân Liên còn tăng cường các chức năng sinh thái của rừng giúp giảm thiệt hại bão lũ, cải thiện sức khỏe và năng xuất nông nghiệp, tạo môi trường sống an toàn cho các loài động thực vật hoang dã.

Tại sao cần trồng rừng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên?

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên thành lập năm 1999, diện tích khoảng 27.668 ha, gồm rừng tự nhiên, sông hồ. Đây là một trong 55 Khu Bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam. Rừng có vai trò vô cùng quan trọng đối với con người và giúp duy trì hệ sinh thái. Khu Bảo tồn Thiên nhiên thuộc tỉnh Thanh Hóa này có vai trò quan trọng, bảo vệ thượng nguồn Sông Chu. Đây cũng là nơi giáp ranh với Lào, trên dãy núi Sầm Nưa (Lào).

Là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm như: Bò tót, Voọc xám, Vượn đen má trắng, Mang Roosevelt (Muntiacus rooseveltorum),  Thông nàng (Podocarpus imbricatus), Sa mu (Cunninghamia konishii) và Pơ mu (Fokienia hodginsii),  Vù hương (Cinnamomum balansae)… 

Tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên hiện nay có khoảng 150 ha rừng nghèo kiệt, trước đây vốn là đất canh tác của người dân địa phương. Khi Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên được thành lập, người dân di cư ra ngoài, để lại các khu đất nương rẫy không có rừng. Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên đã bước đầu gây trồng cây rừng trên những vùng đất này. Tuy nhiên, trải qua 20 năm, đây vẫn là những khu rừng nghèo kiệt, ít loài.

Hoạt động trồng làm giàu rừng này nhằm hồi phục khu rừng bị nghèo kiệt, bằng các loài cây bản địa đa mục đích như cây gỗ, cây làm thức ăn cho động vật hoang dã, cây thuốc. Cây trồng làm giàu rừng, góp phần gia tăng số loài, đặc biệt là thức ăn cho các loài hoang dã, giúp chúng có thể sinh sống trong rừng, thay vì phải ra khu vực dân cư để kiếm ăn. Đồng thời, duy trì các giá trị đa dạng sinh học, làm tăng giá trị du lịch, nghỉ dưỡng của rừng.

Đơn vị thực hiện

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia được quyết định thành lập vào ngày 24 tháng 8 năm 2016 bởi Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Giấy phép hoạt động khoa học của Gaia được cấp vào ngày 31 tháng 8 năm 2016 bởi Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường Việt Nam.

Gaia hướng tới sứ mệnh: tạo dựng một tương lai trong đó con người sống hoà hợp với thiên nhiên thông qua việc trao quyền và thực hiện hiện các giải pháp tiên phong trong:

– Nghiên cứu, điều tra đa dạng sinh học và thực hiện các giải pháp bảo tồn.

– Thay đổi hành vi hướng tới bảo tồn thiên nhiên thông qua giáo dục, truyền thông.

– Nâng cao năng lực cho cán bộ đang hoặc sẽ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên.

– Quản lý bền vững tài nguyên có sự tham gia của cộng đồng.

– Giáo dục, nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

App GreenPoints

Tải ứng dụng GreenPoints và
cùng nhau ủng hộ điểm GP cho các dự án Đóng góp xanh nhé!