Ủng hộ trồng rừng: Góp 1 cây là góp rừng Bến En 2023

Ủng hộ trồng rừng

Góp 1 cây là góp rừng Bến En

Bối cảnh

Bạn có biết: Cứ mỗi phút trôi qua, Trái Đất mất đi một diện tích rừng bằng 40 sân bóng đá. Rất nhiều cây xanh đã bị chặt hạ, đổ ngã trong vài tháng qua tại nhiều khu rừng đầu nguồn và ngay tại các thành phố lớn, đặc biệt sau tai nạn cây Phượng gãy đổ gây thương vong cho học sinh. Sự suy giảm nhanh chóng diện tích và chất lượng rừng đầu nguồn, suy giảm tỷ lệ cây xanh trong thành phố, đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống con người.

Do mất rừng, các hiện tượng thời tiết cực đoan, hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, tác động nghiêm trọng đến đời sống người dân..Lũ lụt thường xuyên ở miền trung, lũ quét ở miền bắc, hạn mặn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, ô nhiễm không khí ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ là một số tác động mà chúng ta đã phải chứng kiến và hứng chịu, do hậu quả của phá rừng và hủy hoại thiên nhiên.

Trồng rừng tại Vườn Quốc gia Bến En nhằm phục hồi các khu rừng nghèo kiệt, tăng cường các chức năng sinh thái của rừng, bù đắp lại phần nào những tác động của con người chúng ta đến rừng trong thời gian qua. Hệ sinh thái rừng khỏe mạnh cũng góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tạo ra ngôi nhà khỏe mạnh, an toàn cho các loài hoang dã. Các loài cây bản địa gỗ quý, cải tạo đất được trồng gồm: Lim Xanh, Lát hoa, Dổi…

Đơn vị thực hiện

Ngày 8-11.5.2020, được sự ủng hộ của hơn 160 cá nhân, nhóm, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã trồng thành công 1013 cây gỗ lớn gồm Lim Xanh và Dổi trên diện tích hơn 1ha rừng tại Vườn Quốc gia Bến En. Với chiến dịch lần này, Gaia tiếp tục huy động nguồn lực để tiến hành trồng rừng Bến En vào tháng 8.2020 và cập nhật tới người ủng hộ về khu rừng trong 4 năm liên tiếp.

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia được quyết định thành lập vào ngày 24 tháng 8 năm 2016 bởi Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Giấy phép hoạt động khoa học của Gaia được cấp vào ngày 31 tháng 8 năm 2016 bởi Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường Việt Nam.
Gaia hướng tới sứ mệnh: tạo dựng một tương lai trong đó con người sống hoà hợp với thiên nhiên thông qua việc trao quyền và thực hiện hiện các giải pháp tiên phong trong:

– Nghiên cứu, điều tra đa dạng sinh học và thực hiện các giải pháp bảo tồn.

– Thay đổi hành vi hướng tới bảo tồn thiên nhiên thông qua giáo dục, truyền thông.

– Nâng cao năng lực cho cán bộ đang hoặc sẽ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên.

– Quản lý bền vững tài nguyên có sự tham gia của cộng đồng.

– Giáo dục, nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thông tin thêm về rừng Bến En

Vườn Quốc gia Bến En là 1 trong 33 Vườn Quốc gia của Việt Nam, với chức năng bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ các hệ sinh thái và phục hồi các loài động thực vật. Vườn quốc gia Bến En thành lập năm 1992, với diện tích 14.735ha, thuộc tỉnh Thanh Hóa. Đây là khu vực rừng đầu nguồn với những cảnh quan độc đáo gồm núi non, sông suối, hồ tự nhiên rộng lớn và những địa danh kỳ thú. Đây là nơi chuyển tiếp giữa đồng bằng Thanh Hoá – Nghệ Tĩnh rộng lớn với núi cao Trường Sơn Bắc. Vườn Quốc gia Bến En có tài nguyên đa dạng sinh học phong phú với 1.417 loài thực vật, 1530 loài động vật, trong đó gần 500 loài bị đe dọa tuyệt chủng cấp Thế giới (có tên trong Sách Đỏ IUCN) và 112 loài bị đe dọa tuyệt chủng cấp quốc gia (có tên trong Sách Đỏ Việt Nam). Động vật quý hiếm phải kể đến: Vượn đen má trắng, Culi lớn, Culi nhỏ, Gấu ngựa, Gà lôi…, thực vật quý hiếm như: Lim xanh, Lát hoa, Chò chỉ, Vù hương…

Vườn Quốc gia Bến En hiện có khoảng 3000 ha rừng nghèo kiệt và đất trống, đồi núi trọc hoặc các trảng cỏ tranh, trước đây vốn là đất lâm trường, bị khai thác cạn kiệt gỗ và các loại lâm sản. Khi Vườn Quốc gia Bến En được thành lập, lâm trường bị đóng cửa, để lại các khu rừng nghèo kiệt, đất nương rẫy không có rừng. Vườn Quốc gia Bến En đã bước đầu gây trồng cây rừng trên những vùng đất này. Tuy nhiên, trải qua gần 30 năm, đây vẫn là những khu rừng nghèo kiệt, ít loài, với chủ yếu là các trảng cỏ, cây bụi, tre nứa.

Hoạt động trồng rừng này nhằm hồi phục khu rừng bị nghèo kiệt, bằng các loài cây gỗ bản địa quý, tạo ra các khu rừng mạnh khỏe, giàu loài, cải thiện các giá trị kinh tế, sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống xói mòn, vì lợi ích của chính con người. Các loại cây sẽ được trồng ở đây bao gồm: Lim Xanh, Lát hoa, Dổi…

App GreenPoints

Tải ứng dụng GreenPoints và
cùng nhau ủng hộ điểm GP cho các dự án Đóng góp xanh nhé!