Nhập môn sống xanh - Green Points Nhập môn sống xanh - Green Points

Chào mừng bạn đến với Blog Xanh của Green Points – blog của cộng đồng sống xanh.

Hẳn bạn đã nghe nhiều về sống xanh, đặc biệt trong thời gian gần đây, vì lối sống này đang trở thành một trào lưu, một xu hướng trên thế giới và cả ở Việt Nam. Vậy thế nào là sống xanh? Đó có phải là “nói không với nhựa sử dụng một lần”, là “tắt đèn, bật tương lai”, là “phân loại rác tại nguồn”… là những khẩu hiệu mà bạn vẫn nghe trong các chiến dịch môi trường giảm thiểu rác thải hay Giờ Trái Đất? Đúng rồi, đó là những hành vi của lối sống xanh; nhưng sống xanh còn bao hàm nhiều hơn thế.

“Sống xanh” (tiếng Anh “green lifestyle”, “green living” hay “going green”) là lối sống trong đó mỗi cá nhân đưa ra những lựa chọn mang tính bền vữngtức giảm thiểu tác động có hại đến môi trường, vẫn đáp ứng được nhu cầu trong hiện tại nhưng không ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai – trong mọi mặt của cuộc sống như ăn cái gì, đi lại bằng phương tiện nào, mua sắm vật dụng gì, sử dụng và thải bỏ những vật dụng đó như thế nào…

 

Như vậy bạn và mình không cần phải đợi một vài cơ quan, đoàn thể nào đó tổ chức những chiến dịch rầm rộ hay phải ban hành quy định với chế tài thưởng phạt rõ ràng thì mới có thể sống xanh được, mà chúng ta hoàn toàn có thể sống xanh mỗi ngày, trong mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động của mình.

Để bảo vệ môi trường! Hẳn nhiều bạn sẽ trả lời như vậy. Không sai, nhưng không hẳn chỉ như vậy. Nói là không sai, bởi vì Trái Đất, Mẹ Thiên Nhiên, cái nôi nuôi sống chúng ta trong từng giây phút đang bị ô nhiễm bởi rác, khí thải…, bị cạn kiệt tài nguyên với rất nhiều loài sinh vật bị tuyệt chủng và đe dọa tuyệt chủng. Trong tình cảnh này, chúng ta, loài người – vốn tự xem mình là loài động vật phát triển nhất và đang thống lĩnh Trái Đất – cần phải có trách nhiệm lớn nhất trong việc bảo vệ ngôi nhà chung này.

Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn, chúng ta có bao giờ đặt câu hỏi “môi trường có thực sự cần ta bảo vệ?” – tức “chống lại mọi sự xâm phạm để giữ cho luôn được nguyên vẹn” [theo Từ điển Tiếng Việt của GS. Hoàng Phê]. Chắc bạn có nghe nói đến Chernobyl – vụ thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử gây ra bởi vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Thảm họa này xảy ra vào năm 1986 và làm phát ra lượng phóng xạ lớn gấp bốn trăm lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) vào năm 1945. Ngay sau thảm họa, hơn 350.000 người dân sống trong khu vực lân cận đã được sơ tán, và đến hiện tại, khu vực này vẫn nằm trong vùng hạn chế tiếp cận nghiêm ngặt và không có cư dân nào sinh sống. Đây cũng là một thảm họa về môi trường khi cánh rừng thông gần nhà máy Chernobyl đã chết ngay lập tức và lá đồng loạt chuyển sang màu đỏ (sau này cánh rừng này được gọi là “Rừng Đỏ”) sau khi hứng chịu lượng phóng xạ cao kỷ lục. Vì thế, sau khi thảm họa xảy ra, các dự báo đều cho rằng khu vực này sẽ trở thành một sa mạc, không có sự sống của động vật hoang dã trong nhiều thế kỷ – thời gian cần thiết để các hợp chất phóng xạ có thể phân hủy và biến mất khỏi môi trường. Tuy nhiên, hiện tại, sau 34 năm, vùng hạn chế tiếp cận nghiêm ngặt Chernobyl, thuộc Ukraine và Belarus, là nơi sinh sống của gấu nâu, gấu trúc, chó sói, linh miêu, ngựa Przewalski và hơn 200 loài chim cùng các loài động vật khác như động vật lưỡng cư, cá, ong vò vẽ, giun đất, vi khuẩn. Những nghiên cứu về khu vực này đều ghi nhận rằng hiện nay Chernobyl có đa dạng sinh học tuyệt vời, các quần thể động vật và thực vật ổn định và có thể sống được bên trong vùng hạn chế tiếp cận mà không chịu những tác động tiêu cực lớn của mức bức xạ hiện tại. Thảm họa Chernobyl là một minh chứng điển hình về việc nếu con người ngừng tác động vào môi trường thì thiên nhiên sẽ phục hồi, ở một tốc độ còn nhanh hơn cả những phỏng đoán khoa học. Như vậy, thực ra chúng ta, loài người, đâu cần “bảo vệ” môi trường theo đúng nghĩa của từ này. Mà nói cho thẳng thắn hơn, bởi vì chúng ta đã khai thác quá mức thiên nhiên để phục vụ cho cuộc sống của mình rồi thẳng tay thải bỏ những gì mà chúng ta cho là không còn hữu dụng vào thiên nhiên, dẫn đến môi trường sống trở nên tàn tạ như hiện nay. Rồi thì môi trường sống ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên đã tác động lại chúng ta bằng việc khan hiếm nước sạch để uống, thực phẩm ngon lành để ăn, không khí trong lành để thở, bằng những bệnh nan y, những cơn dịch bệnh toàn cầu… Vậy thì thực ra sống xanh đâu hẳn để bảo vệ môi trường, mà trước hết, chính là bảo vệ sự sống của chính mình, trong từng ngày, từng giờ. Nếu tiếp cận theo góc nhìn này, bạn sẽ không chỉ nhìn việc sống xanh như 1 trách nhiệm – phải bảo vệ ngôi nhà chung Trái Đất, và rồi có đôi lúc nghĩ rằng đó là trách nhiệm chung thì “người ta làm thì tôi mới làm” hay “trách nhiệm này lớn lắm, phải các cơ quan, tổ chức nọ kia mới làm được”. Bạn sẽ hiểu được rằng sống xanh chính là một quyền lợi, một đặc ân vì bạn làm vì chính mình, để được tiếp tục hít thở không khí trong lành, được uống nước sạch, được ăn ngon, được ngắm nhìn những cảnh đẹp thiên nhiên với đa dạng các loài sinh vật. Tiếp sau đó nữa, bạn còn có “của để dành” để trao tặng cho con cháu và các thế hệ sau những đặc ân ấy.

Chắc hẳn bạn cũng từng có suy nghĩ tương tự như vậy khi nghĩ về việc phân loại rác, hay làm cách nào để hạn chế dùng ly, ống hút nhựa trong khi bạn nhìn thấy xung quanh mình người người, nhà nhà vô tư vứt rác hỗn độn và dùng đồ nhựa một lần. Vậy để chúng mình kể bạn nghe một câu chuyện sau: Có một người đàn ông nọ đang đi dạo trên bờ biển thì bắt gặp một cậu bé cứ liên tục nhặt và ném các con sao biển đang nằm trên bờ biển xuống dưới nước. Ông thấy lạ bèn hỏi cậu bé: “Cháu đang làm gì vậy?”. “Cháu đang giúp những con sao biển bị mắc kẹt này về nhà”. “Nhưng trên bờ có cả hàng ngàn con, cháu làm vậy thì có ích gì, đến khi nào mới xong?”, người đàn ông ngạc nhiên hỏi lại. Cậu bé vẫn tiếp tục ném những con sao biển và trả lời “Thì cháu vẫn đang giúp chúng nè. 1 con này, rồi 1 con nữa này…”. Người đàn ông đứng quan sát một lúc rồi bắt đầu nhặt những con sao biển và ném trả về biển. Trên bờ, những người khác khi nhìn thấy cảnh hai người cũng đến hỏi và tham gia; một lát sau, tất cả những con sao biển bị mắc kẹt trên bờ đã được đưa xuống biển.

“Một con én không làm nên mùa xuân, nhưng nó báo hiệu mùa xuân về”. “Chúng ta không cần một nhóm người sống xanh – không xả thải – một cách hoàn hảo. Chúng ta cần hàng triệu người sống xanh theo cách chưa hoàn hảo”. Nói như nhà khí tượng học và chuyên gia về lý thuyết hỗn độn Edward Norton Lorenz: “một con bướm đập cánh ở Brasil có thể gây ra cơn bão lốc ở Texas”. Có thể bạn chưa thấy được môi trường sống của mình được trong lành ngay sau khi bạn từ chối sử dụng chiếc ống hút nhựa trong quán café, nhưng sự thật là bạn đã giúp bớt được 1 chiếc ống hút nhựa “được” sử dụng và xả thải vào môi trường. Rồi sau đó, những hành động sống xanh của bạn sẽ dần lan truyền và cùng cộng hưởng với những hành động sống xanh của nhiều người để tạo nên một hiệu ứng lớn tuyệt vời, như trong câu chuyện ống hút này thì đến một lúc nào đó đảo rác đang trôi nổi trên Thái Bình Dương sẽ biến mất (nhờ được dọn sạch và xử lý). Mọi hành động (và không hành động) hướng về lối sống xanh đều có ý nghĩa, đều có ích cho bạn và môi trường, bạn nhé!

Hi vọng bài viết này có thể giúp bạn hiểu rõ được phần nào về sống xanh và sự cần thiết của việc thực hiện lối sống này mỗi ngày. Việc thay đổi nhận thức là bước khởi đầu nhưng là bước quan trọng nhất để chúng ta bắt đầu một thói quen và lối sống mới. Các bạn sẽ tìm được những cách thức để sống xanh để áp dụng trong cuộc sống của mình trong những bài viết sau; nhưng việc trước hết bạn có thể làm là cài đặt và giới thiệu ứng dụng GreenPoints cho bạn bè, người thân – như 1 lời cam kết sẽ “sống xanh hơn 1% mỗi ngày”.

Cảm ơn các bạn đã cùng đồng hành cùng chúng mình.