Chúng ta không cần một nhóm người sống xanh – không xả thải – một cách hoàn hảo. Chúng ta cần hàng triệu người sống xanh theo cách chưa hoàn hảo” – Anne Marie Bonneau

Như đã trao đổi trong bài Nhập môn Sống xanh, sống xanh là lối sống hạn chế tác động có hại đến môi trường nhằm bảo vệ cho sự sống của mỗi người trên Trái Đất. Nói là “hạn chế” bởi vì không hoạt động sống nào của con người mà không tạo ra khí gây hiệu ứng nhà kính hay lấy đi những tài nguyên của thiên nhiên, ví như việc chúng ta vẫn làm từng giây là hít thở cũng thải ra khí CO2 vào không khí hay để có chiếc ống hút tre cũng cần đến nước và điện để sản xuất, chưa kể nguồn nguyên liệu là tre. Thế nên, sống xanh là cần thiết cho mỗi người và cho dù hiểu rằng việc sống xanh không biến bạn trở thành “anh hùng giải cứu Trái Đất” bạn vẫn sẽ cảm nhận được nhiều niềm vui và hạnh phúc khi sống xanh nhờ những giá trị đích thực mà lối sống này mang lại cho bạn và cộng đồng.

Bạn có nghĩ rằng mình nên bắt đầu bằng việc đi mua ngay 1.000 chiếc ống hút cỏ bàng, hay vài lốc ly giấy, vài chiếc túi vải? Nếu có thì chịu khó dừng lại một chút nhé! Bạn hãy thử so sánh các hành vi sau, hành vi nào sẽ tốt hơn cho môi trường:

  • sử dụng các chiếc ống hút cỏ bàng hay không cần sử dụng ống hút?
  • sử dụng 1 chiếc túi ni-lông 10 lần hay sử dụng 1 chiếc túi vải 1 lần rồi vứt bỏ?

Với câu hỏi đầu tiên, chắc bạn có thể dễ dàng thấy rằng nếu như mình có thể cắt giảm được việc sử dụng những vật dụng không quá thiết yếu (như ống hút) thì vẫn tốt hơn là sử dụng vật dụng có vật liệu tự nhiên, nhưng vẫn tạo ra rác và tốn năng lượng để xử lý rác. Với câu hỏi thứ hai, nếu bạn từng nghĩ túi vải thân thiện với môi trường hơn túi ni-lông do túi vải dễ phân hủy hơn (2-3 năm so với 500 năm của ni-lông), thì bạn cần biết thêm rằng để sản xuất ra một cái túi vải thì số năng lượng tiêu hao gấp 131 lần một cái túi ni-lông. Do đó, nếu bạn chỉ sử dụng túi vải 1 lần thì có thể sẽ gây hại cho môi trường hơn là sử dụng 1 chiếc túi ni-lông. Như vậy, thực ra vấn đề sống xanh – bảo vệ môi trường – không phải chỉ nằm ở việc chuyển sang dùng các loại sản phẩm “thân thiện với môi trường”, mà chính là ở việc thay đổi hành vi tiêu dùng của mỗi chúng ta theo hướng có ý thức và có trách nhiệm với môi trường.

Những hành vi bảo vệ môi trường được lần đầu tiên đúc kết lại một cách ngắn gọn bằng cụm 3RReduce, reuse, recyle, mà được chuyển ngữ sang tiếng Việt thành 3T – Tiết giảm, tái sử dụng, tái chế. Sau này 3R được phát triển thêm thành nhiều phiên bản: 5R – Refuse (từ chối), reduce (tiết giảm), reuse (tái sử dụng), recycle (tái chế), rot (ủ phân) và 7R – Rethink (suy xét lại), refuse (từ chối), reduce (tiết giảm), rechoose (lựa chọn lại), reuse (tái sử dụng), recycle (tái chế), rot (ủ phân). Tuy được phát triển theo thời gian, nhưng điểm chung của các quy tắc trên là hành vi cắt giảm lượng tiêu dùng được ưu tiên số 1, sau đó mới đến tái sử dụng và tái chế đồ vật nhằm giảm lượng rác thải. Bởi vì cắt giảm lượng tiêu dùng sẽ giúp giảm tác động có hại đến môi trường thông qua việc hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên để sản xuất ra sản phẩm và lượng rác thải bỏ ra ngoài môi trường. Và nếu như bạn cũng từng quan tâm đến việc bảo vệ môi trường nhưng cảm thấy khó khăn trong việc làm thế nào để tái sử dụng hoặc tái chế 1 vật dụng thì giờ đây, bạn có thể hiểu rằng có 1 cách triệt để hơn để bảo vệ môi trường mà không phải suy nghĩ về việc tái sử dụng hoặc tái chế vật dụng ấy – chính là: không mua/nhận/sở hữu vật dụng ấy ngay từ đầu. Thế nên, cũng là dễ hiểu khi lối sống xanh thường song hành cùng lối sống tối giản và lối sống cắt giảm rác thải (hoặc không-xả-thải “zero waste”), và khi thực sự tiến bước trên con đường sống xanh, bạn sẽ dần nhận ra cuộc sống của mình trở nên nhẹ nhõm và ít tốn kém hơn so với trước đây.

Để bắt đầu sống xanh, có thể việc bạn cần làm không phải là đi mua hàng loạt đồ dùng “thân thiện với môi trường” mà là dừng lại suy nghĩ để đưa ra quyết định nên hay không nên làm 1 việc gì nhằm giảm tác hại đến môi trường theo hướng hạn chế lượng rác thải, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên:

  • Đối với nhu cầu sử dụng/sở hữu một sản phẩm, bạn cần tập trả lời 3 câu hỏi sau:

“Cần” ở đây được hiểu là rất thiết yếu cho sự sống của bạn. Nếu hiểu sâu sắc điều này thì bạn sẽ nhận ra có rất nhiều thứ bạn đang sở hữu mà bạn không thực sự “cần”, mà có thể vì “thích” hoặc “muốn”. Ví dụ: bạn có thể cần 6 bộ quần áo để đi làm, đi học và ở nhà (để có thể luân phiên giặt và sử dụng), nhưng nếu bạn sở hữu 30 bộ quần áo chỉ để đi làm thì đó đã vượt mức cần thiết rồi; do đó bạn sẽ không cần mua thêm quần áo đi làm nữa.

Một ví dụ khác là thực phẩm – một sản phẩm thiết yếu cho sự sống, nhưng bạn cũng cần tỉnh táo để nhận ra rằng lượng thực phẩm mình mua đủ dùng cho nhu cầu thiết yếu, để tránh tình trạng việc mua tích trữ và vứt bỏ không cần thiết. Việc tự đặt câu hỏi và nhắc nhở mình như vậy sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc kiểm soát những ham muốn mua hàng vô độ.

Sau đây là danh sách những sản phẩm “được” cho là không cần thiết bởi nhiều người mà bạn có thể tham khảo: nước lọc đóng chai, hộp/ly đồ ăn thức uống chế biến sẵn, quần áo rẻ tiền chất lượng kém, 1 số loại mỹ phẩm chăm sóc da…

Ví dụ: Nếu bạn cần có 1 chiếc túi để đi chợ, trước khi nghĩ đến việc mua mới một chiếc túi vải, bạn hãy xem trong nhà còn những chiếc túi ni-lông hay túi lưới nào có thể sử dụng lại không, hoặc 1 chiếc áo cũ có thể may lại thành 1 chiếc túi. Đối với 1 số đồ dùng khác, nếu bạn không thể có được từ những vật dụng sẵn có thì bạn hãy thử tìm kiếm xem có thể mua đồ cũ không nhé!

Ví dụ: Trong trường hợp bạn cần có 1 bữa ăn tối, bạn sẽ cần suy nghĩ xem mình nên nấu ăn ở nhà hay ăn thức ăn ở ngoài. Nếu ăn thức ăn ở ngoài thì cách nào sẽ “thân thiện với môi trường” hơn: gọi đồ ăn giao ngay với rất nhiều loại bao gói, hay xách cà men ra cô bán phở ở đầu xóm để mua về ăn.

  • Đối với các đồ dùng hiện bạn đang sở hữu, cần thực hiện 3 nguyên tắc sau:
  1. Sử dụng đồ dùng lâu nhất có thể

Khi sống xanh, bạn sẽ nhận ra mình sẽ không còn đổi điện thoại 1 năm/lần hay đổi xe sau 2-3 năm nữa, mà sẽ cố gắng giữ gìn những vật dụng ấy để chúng có thể dùng được lâu nhất. Theo nguyên tắc này thì bạn cần hạn chế tối đa và tiến tới không sử dụng đồ sử dụng 1 lần như ly/hộp nhựa/giấy, ống hút nhựa/giấy… bởi vì sẽ rất khó để bạn tái sử dụng những đồ dùng này nhiều lần.

  1. Thải bỏ ít nhất có thể

Nếu bạn có món đồ nào đó không sử dụng, trước hết hãy nghĩ xem có những cách nào để món đồ ấy vẫn tiếp tục đời sống của mình hoặc có được một đời sống mới, ví dụ như: rao bán/cho tặng cho người khác, tái chế thành những món hữu ích khác.

  1. Xử lý phần thải bỏ theo cách thân thiện với môi trường

Để thực hiện được việc này, bạn cần phải phân loại rác:

+ Đối với rác có thể tái chế bởi những công ty tái chế như giấy, đồ nhựa, đồ kim loại…, bạn hãy bán/cho ve chai, đơn vị thu gom/tái chế.

+ Đối với rác thải hữu cơ: bạn có thể thực hiện ủ phân, hoặc tìm những người thu gom để làm thức ăn gia súc…

+ Đối với rác thải độc hại như pin: bạn cần để riêng và đưa đến điểm thu gom tập trung để được xử lý đúng.

Bài viết này nhằm giúp bạn có những nguyên tắc quan trọng nhằm định hướng cho suy nghĩ và quyết định của bạn để thực hiện lối sống xanh. Những bài viết tiếp theo sẽ giới thiệu những cách thức chi tiết hơn để bạn có thể áp dụng trong cuộc sống. Cảm ơn bạn đã quan tâm và cùng đồng hành cùng GreenPoints trong hành trình sống xanh.